Kinh nghiệm mua ô tô cũ

Bạn nên tham khảo những kinh nghiệm mua ô tô cũ dưới đây trước khi đi xem xe! Có rất nhiều “truyền thuyết” về việc lựa chọn và kiểm tra ô tô cũ. Tất cả những gì Bạn cần làm là ghi chú và áp dụng ngay những gì Bạn tâm đắc nhất! Hãy bắt đầu xem xét 7 câu hỏi thường gặp dưới đây nhưng hãy luôn nhớ rằng: Bạn mới là người quyết định!

1. Kiểm tra xe ô tô cũ cách nào?
2. Kiểm tra xe có bị tai nạn?
3. Kiểm tra số km thực đã đi?
4. Kiểm tra bộ phận nào của xe?
5. Lái thử xe cũ cách nào?
6. Chọn lựa người bán ra sao?
7. Làm sao để trả giá?
8. Làm thủ tục mua bán như thế nào?

Kinh nghiệm mua ô tô cũ: Những phương pháp kiểm tra xe hiệu quả nhất

Bạn hãy sử dụng càng nhiều giác quan của mình càng tốt! Một chuyên gia hay người thợ lành nghề cũng phải dựa vào các giác quan để đánh giá một chiếc xe cũ. Họ kết hợp việc nhìn xe, nghe tiếng máy nổ, thấy màu khói từ ống xả, ngửi lốc máy, cảm nhận bằng tay các chi tiết có thể sờ được & vận dụng kinh nghiệm nghề nghiệp của mình. Mặc dù không phải là dân trong nghề, Bạn cũng có thể làm được như họ! Môt lưu ý quan trọng đúc kết từ các kinh nghiệm mua ô tô cũ là Bạn hãy ghi chép ngay những gì giác quan Bạn cảm nhận được. Một chiếc xe cũ có rất nhiều điểm cần xem xét và đánh giá, nếu không ghi chép Bạn sẽ dễ dàng bỏ qua những chi tiết quan trọng.

Nhìn gì?

Bạn hãy nhìn từ ngoài vào trong xe. Bắt đầu nhìn tổng quát để đánh giá màu sơn xe, độ phản chiếu ánh sáng, sự liền mạch hay móp méo của thân xe, những chỗ rỉ sét,… Sau đó nhìn khu vực chứa động cơ xe (dưới nắp ca pô) để đánh giá: độ sạch sẽ, sự nguyên vẹn của các đường ống, sự rò rỉ dầu hay nước làm mát,.. Tiếp theo là nhìn trong lòng xe: khu vực cabin, các ghế ngồi, trần xe,… Kỹ hơn nữa là nhìn dưới gầm xe để phát hiện những vết nứt hoặc biến dạng điển hình khi xe bị “đội gầm”. Khi xe nổ máy Bạn nên nhìn ống xả để đánh giá khói xe thải ra, đây là một dấu hiệu quan trọng để đánh giá động cơ xe.

Sờ gì?

Bạn hãy sờ bất kỳ chỗ nào có thể sờ được trên xe (tốt nhất là khi xe đang ở trạng thái không nổ máy). Hãy cảm nhận sự gồ ghề hay trơn láng, liền mạch hay đứt quãng hoặc bị móp méo, thậm chí là bị bám bụi nhiều hay ít. Một người thợ ô tô lành nghề có thể cảm giác độ đậm đặc hay bị bám cặn (ba giớ) của nhớt xe để đánh giá chủ xe có thường xuyên thay nhớt hoặc bảo trì xe hay không. Nếu cũng làm được như vậy, Bạn sẽ có một “vũ khí” tuyệt vời khi xem xe cũ!

Ngửi gì?

Đây làphương pháp thú vị nhất từ những kinh nghiệm mua ô tô cũ! Bạn hãy ngửi mùi sơn xe để xem liệu xe có được sơn mới lại, mùi bên trong xe để cảm giác chủ xe có chăm sóc xe hàng ngày không, đặc biệt là mùi xăng và mùi dầu nhớt (cả khi xe không nổ máy và có nổ máy) để đánh giá xe có bị rò rỉ các chất này không… Và thậm chí là các mùi lạ mà Bạn không thể nhận ra, hãy hỏi thẳng chủ xe điều này!

Nghe gì?

Bạn hãy nghe tiếng động cơ khi xe nổ máy để đánh giá độ êm, độ liên tục, độ giòn giã, độ trong,… Nếu Bạn từng phát hiện chiếc xe gắn máy của mình bị hỏng bằng cách nghe tiếng máy nổ thì đối với xe ô tô cũng y như vậy. Bạn cũng nên chú ý những âm thanh quan trọng này: tiếng đóng mở cửa xe, nắp ca pô hay thùng xe, tiếng nhạc từ dàn âm thanh trên xe. Hãy nhớ tiếng động luôn là một trong những yếu tố hàng đầu trong việc đánh giá một chiếc xe cũ!

Cảm nhận gì?

Bạn hãy sử dụng cả giác quan thứ 6 của mình nếu có thể! Đôi khi tất cả giác quan trên cho Bạn biết rằng chiếc xe rất tuyệt tuy nhiên vẫn có cái gì đó khiến Bạn phải băn khoăn không rõ nguyên do. Hãy lắng nghe mình để đưa ra lựa chọn đúng đắn nhất!

Những cách kiểm tra xe ô tô cũ bị tai nạn

Hầu hết mọi người đều đồng ý và chia sẻ kinh nghiệm mua ô tô cũ này: Không nên mua chiếc xe từng bị hoặc từng gây tai nạn! Đây là điều phải thuộc nằm lòng! Một chiếc xe bị tai nạn, đặc biệt là phần đầu (nơi chứa toàn bộ động cơ quan trọng nhất), thường rất hay bị hỏng hóc về sau. Chưa kể đến vấn đề tâm linh nếu tai nạn đã đã làm chết người. Nếu chiếc xe đó được sửa chữa cẩn thận thì Bạn cũng khó chắc rằng phụ tùng & vật liệu thay thế là chính hãng và Bạn có thể phải chi nhiều tiền cho những hỏng hóc về sau: hỏng hệ thống điều hòa, lệch hoặc hư luôn bánh lái,.. Vậy kiểm tra như thế nào để an tâm? Vui lòng xem những kinh nghiệm hay ngay dưới đây:

Kiểm tra thân xe

Bạn hãy kiểm tra bên ngoài thân xe, chú ý các bộ phận:
– Đầu xe & đuôi xe
– Cánh cửa
– Nắp ca pô
– Nắp cốp hậu
Nếu các bộ phận này bị móp, méo, biến dạng,.. thì khả năng cao là xe bị va chạm hoặc tai nạn.

Kiểm tra các đường gân (còn gọi là “keo chỉ”)

Bạn hãy kiểm tra các đường gân chạy dọc tất cả các mép của thân xe & các cánh cửa. Nếu đường gân bị bong ra (chuyên môn gọi là mất đường keo chỉ) thì khả năng xe bị tai nạn là khá cao. Đặc điểm của các đường gân này là khi xe còn “zin”, các gân này có thể đàn hồi khi bạn dùng móng tay bấm vào. Nếu gân bị bong và được thợ đồng sơn đắp lại bằng các vật liệu khác thì Bạn cũng có cách kiểm tra:
– Gân được đắp bằng matit: gân bị cứng, không đàn hồi được.
– Gân được đắp bằng silicon: gân đàn hồi được nhưng không liền mạch do có chỗ tiếp giáp thấy rõ giữa gân zin và gân đắp, ngoài ra nếu các cánh cửa đều được đắp thì chắc chắn kích thước đường gân cánh cửa này sẽ không đều so với cánh cửa khác.

Kiểm tra các khe hở

Bạn hãy kiểm tra tất cả khe hở (phần tiếp giáp giữa 2 bộ phận của xe) sau:
– Cửa xe & thân xe
– Thùng xe & thân xe
– Nắp ca pô & thân xe
– Nắp xe & thân xe
– Các điểm tiếp giáp khác giữa 2 bộ phận hoặc chi tiết bất kỳ của xe mà Bạn thấy
Nếu các khe hở này không đều, nhiều khả năng là xe đã bị va quệt hoặc tai nạn.

Kiểm tra các vết rạn

Bạn hãy kiểm tra các vết rạn có thể nhìn thấy hoặc sờ được:
– Vết rạn giữa lớp sơn nguyên bản của xe & lớp sơn mới: đó là một lằn nhỏ giữa 2 lớp sơn, một người thợ dù giỏi đến đâu cũng không thể làm cho lớp sơn mới giống y như lớp sơn nguyên bản được.
– Vết rạn ở một số đường viền và đường gấp khúc trên thân xe: đó cũng là những lằn nhỏ để lại khi người thợ đánh giấy ráp không kỹ trước lúc sơn mới.
Nếu các vết rạn này nhiều hoặc có vết mới, có vết cũ, Bạn nên nghĩ đến việc chiếc xe đã đượt “tút” lại sau một hoặc nhiều va chạm.

Kiểm tra các chốt khóa

Bạn hãy kiểm tra các chốt khóa giữa 2 bộ phận sau:
– Chốt khóa nắp ca pô & phần đầu xe: Bạn nhìn kỹ, nếu chốt này bị méo hoặc lệch thì nhiều khả năng nắp ca pô đã được sửa chữa lại sau tai nạn.
– Bản lề cửa xe & thân xe: Bạn mở cửa, cố kéo cửa rộng ra xem bản lề có lung lay không. Nếu có, hoặc là xe được sử dụng khá nhiều, hoặc là bị va quyệt.

Kiểm tra các bộ phận khác

Bạn hãy chú ý tới các bộ phận sau: 2 đầu sắt xi ở đầu & đuôi xe,đèn pha, đèn hậu, chân két nước, giàn nóng điều hòa. Nếu các bộ phận này bị biến dạng hoặc thay mới thì khả năng là xe đã bị tai nạn.

Hỏi thẳng người bán

Nghe thì có vẻ rất khó áp dụng nhưng đây lại là một kinh nghiệm mua ô tô cũ vô cùng hữu ích! Bạn hãy hỏi thằng người bán xem xe có bị tai nạn không, nếu có thì mấy lần! Bạn không nên ngại hỏi hai câu này, đây là cách tốt nhất để Bạn đánh giá sự tin tưởng đối với người bán. Sẽ có 2 khả năng thường xảy ra:
– Khả năng ít: Người bán trả lời xe đã từng bị tai nạn. Đây là một điểm tốt để Bạn tháo bỏ sự lo lắng của mình. Vấn đề còn lại là xe bị tai nạn mấy lần và mức độ nặng nhẹ ra sao.
– Khả năng cao: Người bán trả lời xe chưa từng bị hoặc gây tai nạn. Bạn nên dựa vào thái độ của người bán để đánh giá sự trung thực của câu trả lời.

Lời khuyên là Bạn nên hỏi vấn đề này ở cuối buổi xem xe, sau khi Bạn đã kiểm tra hết tất cả thông số kỹ thuật cần thiết hoặc sau khi đã chạy thử xe. Tốt nhất là Bạn nên hỏi trước khi bắt đầu phần đàm phán giá cả. Nếu Bạn hỏi ngay từ đầu thì có thể gây khó chịu cho người bán và buổi xem xe sẽ khó suôn sẻ, biết đâu Bạn bỏ lỡ một chiếc xe tốt.

Phương pháp kiểm tra số km thực đã đi của xe

Bạn chắc chắn quan tâm đến 2 chỉ số km của một chiếc xe cũ: chỉ số ODO và số km thực đã đi. Không may là chỉ số ODO (viết tắt từ tiếng Anh “Odometer” – đồng hồ đo quãng đường xe đã đi) rất nhiều khả năng là “ảo” nghĩa là đã bị quay ngược lại (tua lại) bằng các loại máy tua công-tơ-mét ngoại nhập rất hiện đại mà hầu như garage nào tại Việt Nam cũng có. Theo kinh nghiệm mua ô tô cũ từ nhiều người, Bạn có 2 cách sau để kiểm tra số km thực:

Sử dụng máy tua công-tơ-mét

Nếu có thể, Bạn hãy mang xe đến garage có máy kiểm tra hoặc máy công-tơ-mét mà Bạn tin tưởng. Đây là phương pháp dùng “gậy ông đập lưng ông”. Máy đã tua được chỉ số ODO thì cũng kiểm tra được ODO đã bị tua hay không, thậm chí là tua lại mấy lần. Nếu không may chỉ số ODO là ảo thì Bạn có thể dựa vào những kiểm tra kỹ thuật dưới đây và tính toán của Bạn để suy ra số km thực.

Kiểm tra kỹ thuật

Kiểm tra lốp xe: Bạn hãy quan sát độ mòn của các lốp xe. Một đời lốp zin có thể đi được tối đa từ 50.000km đến 60.000km, dựa vào độ mòn của lốp Bạn có thể ước tính số km thực mà xe đã đi. Phương pháp này sẽ không áp dụng được trong trường hợp xe đã thay lốp do bị rách hoặc xe được độ lốp. Vì vậy Bạn nên hỏi chủ xe 2 trường hợp này trước.

Kiểm tra đĩa phanh: Bạn hãy kiểm tra độ mòn của các đĩa phanh (xe thường có 2 hoặc 4 đĩa phanh). Cách kiểm tra là Bạn dùng nhìn và dùng ngón tay miết lên bề mặt đĩa phanh: nếu đĩa phanh có nhiều rãnh hoặc gờ, bị mòn nhiều thì chứng tỏ xe đã đi nhiều hoặc xe phải phanh liên tục. Xin lưu ý là xe đi trong thành phố có thể phanh sẽ mòn nhiều hơn xe đi tỉnh mặc dù số km ít hơn.

Kiểm tra các bộ phận khác: Bạn hãy kiểm tra độ hao mòn hoặc độ cũ của: trần xe, ghế da, tay nắm, chân phanh, chân côn, chân ga, cần số, vô lăng & nhất là các chi tiết bằng nhựa của xe (bởi vì nhựa dễ bị mòn, trầy xước và dễ bị cũ hoặc đổi màu theo thời gian). Độ hao mòn và độ cũ của các bộ phận này có thể cho Bạn biết xe được sử dụng nhiều hay ít, từ đó ước tính số km thực đã đi của xe. Ví dụ: Mặt ghế da bị nhàu nát hoặc có nhiều vết nứt là dấu hiệu của xe được sử dụng nhiều, nghĩa là xe đã di chuyển nhiều.

Lời khuyên là Bạn nên vận dụng tất cả cách thức Bạn biết để xác định hoặc ít nhất là ước tính số km thực đã đi của chiếc ô tô cũ mà Bạn tính mua. Sản phẩm nào cũng có hạn sử dụng, đối với ô tô hạn sử dụng sẽ suy ra từ số km thực mà nó đã đi.

Kinh nghiệm mua ô tô cũ: Những bộ phận quan trọng cần kiểm tra

Kinh nghiệm mua ô tô cũ cho thấy Bạn không nên quá chú trọng các bộ phận của xe có còn zin (nguyên bản) hay không. Bởi vì xe đã qua sử dụng nào cũng đã trải qua các đợt bảo hành, bảo trì hoặc sửa chữa. Nếu một phụ tùng là nguyên bản nhưng đã bị hao mòn nhiều thì chắc chắn là nên thay nó đi, việc còn lại là thay hàng chính hãng hay không mà thôi.

Vì vậy, Bạn nên quan trọng bộ phận hay phụ tùng có chính hãng hay không, còn tốt hay không và có thể sử dụng thêm bao lâu nữa trước khi phải thay thế. Nếu Bạn phát hiện bộ phận nào đó của xe không còn tốt hoặc cần phải thay thế ngay, Bạn hãy kiểm tra ngay giá thay thế chính hãng (nếu có). Đây sẽ là những ghi chú quan trọng cho việc thương lượng giá của Bạn sau này. Bạn nên kiểm tra các bộ phận sau một cách kỹ lưỡng nhất có thể:

Khoang máy (dưới nắp ca pô)

Bạn nên đặc biệt chú ý tình trạng rò rỉ dầu nhớt hoặc dấu vết chất lỏng khác ở các điểm tiếp nối giữa 2 bộ phận với nhau, giữa bộ phận và đường ống hoặc dây dẫn. Nếu khoang máy đã được vệ sinh bằng hóa chất và trở nên sạch bóng thì rất khó phát hiện các vết chảy dầu. Khi đó Bạn nên chạy thử xe một thời gian rồi dừng xe, tắt máy, mở khoang máy ra xem lại. Một số chủ xe còn cao tay hơn khi sử dụng các loại nhớt đặc (loại 20W-40 hoặc 30W-50) để ngăn ngừa tình trạng rỉ nhớt (do độ đậm đặc nên nhớt khó bị rỉ qua những lỗ nhỏ) và ngăn ngừa luôn tình trạng xe thải ra khói đen. Lúc này, Bạn cần tham khảo người có kinh nghiệm hoặc thợ máy.

Động cơ

Đây là bộ phận quan trọng nhất của một chiếc xe, vì vậy kinh nghiệm mua ô tô cũ này thật sự rất đáng quan tâm! Bạn nên đo thời gian khởi động xe (nhanh, chậm, có tiếng động lạ lúc đề pa?) và nghe tiếng máy nổ khi ngồi trong xe và ngoài xe (tiếng máy có mượt, êm, giòn giã hay ngắt quãng?). Nếu có thể, Bạn nên dùng đồng hồ đo sức nén để kiểm tra lực nén của động cơ (áp lực mà xi lanh của động cơ tạo ra khi đốt cháy nhiên liệu) và so sánh với các thông số chuẩn của nhà sản xuất.

Ống xả

Bạn nên kiểm tra kỹ ống xả: quan trọng nhất là sự nguyên vẹn hoặc rỉ sét, ống xả quá cũ có thể dễ bị thủng bất cứ lúc nào. Sau đó bạn quan sát khói thoát ra từ ống xả khi xe đang nổ máy và ở số 0 (số mo): nhấn ga mạnh > khói nhiều hay ít, có màu lạ hoặc mùi lạ hay không? Nếu có bất thường thì nên xem xét 2 khả năng sau:
– Có thể xe bị thiếu dầu nhớt bôi trơn động cơ.
– Có thể động cơ xe có vấn đề trong quá trình đốt cháy nhiên liệu & xả khí thải (ví dụ: động cơ yếu không đốt cháy hoàn toàn nhiên liệu, bị hở bạc,…)

Chân máy (engine mount)

Bạn nên kiểm tra độ giật của xe khi khởi động (đề pa) để biết tình trạng của chân máy. Xe thường có 4 chân máy bằng cao su, nếu chân máy bị gãy thì xe sẽ bị giật mạnh ngược về sau hoặc ngược lên trước ngay khi khởi động. Hầu hết xe ô tô cũ đều bị tình trạng này. Việc thay thế chân máy sẽ khá tốn kém.

Lá tản nhiệt

Bạn nên kiểm tra tình trạng các lá tản nhiệt: mỏng hay xốp, có còn nguyên vẹn?

Hệ thống làm mát

Bạn nên kiểm tra các đường ống của hệ thống làm mát có nguyên vẹn hay bị rò rỉ, nước đang được sử dụng để làm mát là loại cô đặc (concentrated) hay loại thường. Nếu đường ống bị rò rỉ và sử dụng nước loại thường thì xe đang bị thiếu nước làm mát, máy sẽ dễ bị nóng quá mức và có thể đột ngột dừng lúc đang đi. Nếu đường ống bị rò rỉ nhẹ và sử dụng nước loại cô đặc thì nước làm mát sẽ tự đông qua các lỗ rò rỉ, lúc này rất cần sự kiểm tra của người có kinh nghiệm về ô tô.

Thân xe

Bạn nên yêu cầu bên bán rửa sạch xe trước khi Bạn đến xem. Bạn nhìn theo chiều dọc suốt thân xe, chú ý đến nước sơn, độ phẳng của lớp vỏ, các chỗ “rộp” sơn hoặc rỉ sét, độ phản chiếu ánh sáng có đều hay không. Bạn dùng tay để cảm nhận sự trơn láng hay gồ ghề, bằng cách này Bạn có thể phát hiện xe đã bị sơn lại chỗ nào, nhiều hay ít.

Đèn xe

Bạn nên kiểm tra tất cả đèn xung quanh xe: sự nguyên vẹn, độ sáng, độ chiếu xa và cả tuổi thọ còn lại. Đèn xe là một trong những bộ phận hay bị thay thế nhất do đa số được làm bằng nhựa mỏng & ở vào các vị trí rất dễ nứt bể khi va quệt hoặc tai nạn. Vì vậy Bạn có thể hỏi thắng bên bán việc thay thế đèn xe gần đây và các giấy tờ liên quan như hóa đơn hoặc bảo hành.

Cánh cửa xe

Bạn nên kiểm tra tất cả cánh cửa xe: đóng có sát không, có bị hở hay vênh, có bị lung lay bản lề, tay nắm và chốt khóa có hoạt động tốt,… Nếu có bất thường thì có thể do 2 nguyên nhân: xe đóng mở cửa nhiều do đi nhiều hoặc từng bị va chạm.

Lốp xe

Bạn nên kiểm tra tất cả các lốp xe: dùng mắt và tay để xem độ mòn, dùng dụng cụ đo (nếu có) để đo áp suất lốp có đủ tiêu chuẩn, chạy thử xe thấy tiếng ồn lớn hơn bình thường thì khả năng lốp đã mòn nhiều. Tiếng ồn thường do 2 bánh sau gây ra, nếu xe dẫn động cả 4 bánh thì 2 bánh trước thường mòn nhiều hơn do phanh chủ động phía trước.

Gầm xe

Bạn nên kiểm tra kỹ gầm xe: tình trạng nguyên vẹn, móp méo hoặc rỉ sét, có bị chảy dầu nhớt hoặc nước? Với điều kiện đường xá ở Việt Nam, xe bị “đội gầm” hoặc “cà gầm” là khá thường xuyên. Vì vậy, sẽ không bao giờ thừa nếu Bạn kiểm tra thật kỹ gầm xe mặc dù đây là vị trí khuất và khó quan sát.

Phanh xe

Bạn nên chạy thử để kiểm tra chân phanh có trơn tru và tiếng phanh có bị rít? Nếu phanh bị rít thì nhiều khả năng là bố phanh bị mòn hoặc có cát. Đây là bộ phận an toàn chính của xe nên cần phải thay thế ngay lập tức nếu Bạn mua chiếc xe này.

Chân ga

Cũng bằng cách chạy thử xe, Bạn nên chú ý tình trạng chân ga có trơn tru, có dễ đạp và dễ nhả, có tiếng động lạ khi đạp? Bạn đạp ga và cảm nhận sự tăng tốc của xe có đều không?

Côn (ly hợp)

Bạn nên kiểm tra thật kỹ tình trạng của của chân côn và hệ thống truyền động của xe số sàn. Côn có thể bị mòn dẫn đến việc khó “bắt” với chân ga, từ đó truyền động kém làm giảm sức kéo của xe. Bạn kiểm tra độ mòn của côn bằng 2 cách sau:
– Xe tắt máy: Bạn đạp côn, nếu có tiếng ồn thì côn đã bị mòn.
– Xe đang di chuyển: Bạn đạp côn & nhả hết phanh > vào số 2 > nhấn ga & thả côn từ từ > Bạn đạp mạnh ga nếu xe không di chuyển thì côn đã bị mòn.

Thông thường, xe số sàn phải thay côn khi đã đi khoảng 100.000km, thay dây cu-roa cam (timing belt) ở 90.000km. Xe số tự động thay dây cu-roa cam từ 90.000km đến 100.000km

Hộp số

Bạn nên chạy thử xe ở nhiều tốc độ khác nhau và cả de xe (lùi xe) để kiểm tra sự dễ dàng hay khó khăn mỗi khi sang số & trả số, có bị “kẹt số” hay không . Đồng thời, Bạn nên để ý có tiếng động lạ mỗi lần vào số hay không.

Hệ thống giảm xóc

Bạn nên chạy thử xe ở nhiều tốc độ và trên nhiều cung đường hoặc địa hình khác nhau, nhất là những đoạn đường gồ ghề để kiểm tra tình trạng của hệ thống giảm xóc. Sự êm ái và thoải mái khi di chuyển chắc chắn là yêu cầu hàng đầu đối với một chiếc ô tô dù cũ hay mới.

Bảng điều khiển

Bạn nên kiểm tra sự hoạt động của tất cả các nút bấm, nút xoay và cần gạt dù là nhỏ nhất bằng cách bấm, gạt hoặc xoay và kiểm tra kỹ chức năng của bảng điều khiển trên cabin xe hoặc ở những vị trí khác nếu có:
– Màn hình cảm ứng: độ sáng, độ sắc nét & độ nhạy
– Các nút bấm hoặc xoay của dàn âm thanh, điều khiển cửa kính các cánh cửa & gương hậu
– Cần gạt xi nhan (báo hướng rẽ), vòng xoay điều khiển các đèn xe và cần gạt nước trước & sau xe
– Các đèn báo tình trạng xe: nhiên liệu, két nước làm mát, đóng mở cửa, dây an toàn… hiển thị có đầy đủ và chính xác?
– …(tất cả những tính năng điều khiển khác của xe)

Lời khuyên từ những kinh nghiệm mua ô tô cũ của nhiều người đã chia sẻ: Bạn nên lập một danh sách chi tiết tất cả các bộ phận và phụ tùng xe cần kiểm tra và sau đó ghi chép lại cẩn thận nhất có thể. Bạn bè, người thân hoặc người có kinh nghiệm mua ô tô cũ có thể trợ giúp Bạn xem xe nhưng hãy nhớ là Bạn có thể tự làm được. Bằng cách lập danh sách và ghi chú cho từng xe đã “thẩm định”, Bạn sẽ dễ dàng so sánh và lựa chọn dựa trên tình trạng thực tế của xe mà Bạn đã tự mình kinh nghiệm được!

Phương pháp lái thử xe ô tô cũ

Bạn hãy chắc chắn là chính Bạn sẽ lái thử chiếc ô tô cũ mà Bạn tính mua! Bạn nên đi cùng một người biết lái xe nữa để có thể đánh giá toàn diện hơn các yếu tố quan trọng nhất: an toàn, tính năng, kỹ thuật & sự phù hợp. Trước khi bắt đầu, Bạn nên có sẵn một danh sách những điểm cần đánh giá và nhờ người đi cùng ghi chép lại ngay những gì Bạn cảm nhận được bằng các giác quan của mình.

Kiểm tra bảo hiểm

Bạn hãy kiểm tra thời hạn còn lại của Bảo hiểm trách nhiệm dân sự bắt buộc & Bảo hiểm vật chất. Nếu 2 bảo hiểm này còn hạn, Bạn có thể thấy rằng chủ xe là một người cẩn thận và đề cao tính an toàn. Nếu chỉ có bảo hiểm bắt buộc Bạn có thể cân nhắc có nên lái thử không hoặc thương lượng với chủ xe. Nếu không có bảo hiểm bắt buộc Bạn hoàn toàn không nên lái thử chiếc xe này, trừ trường hợp Bạn sẽ lái thử trong một khu vực không có một bóng người nào và được chủ xe đảm bảo. An toàn là quan trọng nhất!

Khởi động khi động cơ còn lạnh

Bạn hãy nổ máy lái thử khi động cơ xe đang lạnh thì mới dễ phát hiện những bất thường trong lúc khởi động xe như: xe bị giật, tiếng máy bị rít hay tình trạng khó khởi động xe… Vì vậy nếu người bán đã khởi động xe trước khi bạn muốn chạy thử thì Bạn nên hẹn ngày khác và yêu cầu để động cơ lạnh hoàn toàn. Nếu người bán không đồng ý với điều kiện này thì tốt nhất là Bạn nên tìm mua chiếc xe khác.

Kiểm tra tính năng

Bạn hãy kiểm tra tất cả tính năng của xe từ lúc bắt đầu ngồi lên ghế tài & nổ máy cho đến lúc tắt máy & xuống xe. Danh sách kiểm tra của Bạn càng chi tiết bao nhiêu thì Bạn sẽ đánh giá chiếc xe càng đúng bấy nhiêu. Bạn khó có thể nhớ tất cả tính năng cần phải đánh giá, vì vậy việc chuẩn bị các tiêu chí đánh giá trước khi lái thử xe là vô cùng quan trọng.

Kiểm tra sự phù hợp

Bạn hãy kiểm tra xem chiếc xe có phù hợp với nhu cầu của Bạn và gia đình không. Hãy lái thử xe càng lâu càng tốt, tốt nhất là mượn xe qua đêm nếu chủ xe đồng ý. Bạn sẽ đánh giá chiếc xe trên những đoạn đường hay đi, việc ra vào garage nhà Bạn hoặc chỗ để xe có dễ dàng, cốp xe có đủ rộng cho những đồ đạc mà Bạn và gia đình hay mang theo trong những chuyến đi xa,… Sự phù hợp là rất quan trọng vì chiếc xe sẽ phục vụ cho nhu cầu thực tế của Bạn!

Kiểm tra tiêu thụ nhiên liệu

Bạn hãy ghi nhận 2 con số là quãng đường đã lái thử và lượng xăng/dầu mà xe đã tiêu thụ. Một chiêc xe cũ không hẳn là tiêu hao nhiên liệu nhiều hơn xe mới vì mức tiêu thụ nhiên liệu còn phụ thuộc vào khối lượng xe, khối lượng người & vật dụng trên xe, tình trạng giao thông,… Các con số đo lường này sẽ giúp Bạn ước tính được chi phí trung bình phải trả cho nhiên liệu và so sánh với những chiếc xe cũ khác trong danh sách của Bạn.

Làm hành khách

Đây cũng là một kinh nghiệm mua ô tô cũ rất thú vị và được kiểm chứng là rất hữu ích! Bạn hãy kiểm tra xe từ vị trí không phải là người lái. Từ các vị trí này Bạn có thể đánh giá sự thoải mái và tiện nghi của chiếc xe, nhất là những yếu tố sau: dây an toàn, máy lạnh, tiếng ồn & mùi xăng dầu. Bạn cũng nên chở theo con cái hoặc thú cưng, chúng có thể cho Bạn nhiều thông tin rất giá trị về chiếc xe vì trẻ em thì luôn luôn nói thật cảm nghĩ của chúng!

Cách chọn lựa người bán

Thông thường có 2 trường hợp người bán là chính chủ và không chính chủ. Người bán chính chủ có thể là bạn bè, người thân quen, đồng nghiệp, người được người khác giới thiệu cho Bạn hoặc Bạn tự tìm thấy từ các chợ xe cũ, website, diễn đàn, các mẫu tin rao vặt và quảng cáo,… Người bán không chính chủ có thể là các showroom hoặc garage xe cũ và xe mới.

Cẩn thận với người bán không chính chủ & không phải là showroom hoặc garage

Nếu Bạn đang làm việc với một người bán không phải là chủ xe cũng không phải là showroom hoặc garage ô tô thì Bạn cần phải hết sức cảnh giác! Họ có thể đảm bảo làm giấy tờ xe cho Bạn mà 2 bên bán & mua không cần ra phòng công chứng. Họ có thể khá thoải mái trong vấn đề giá cả, nghĩa là Bạn có thể trả giá sâu để có một giá mà Bạn xem là hời. Kinh nghiệm mua ô tô cũ cho thấy trường hợp hay gặp nhất là chiếc xe có thể rất tốt nhưng có vấn đề về nguồn gốc hoặc đã từng gây tai nạn nghiêm trọng và người chủ không muốn trực tiếp bán nó.

Người bán là chính chủ

Nếu Bạn đang làm việc với người đứng tên xe, ngoài việc đánh giá về nhân thân và nhà cửa của họ, Bạn nên yêu cầu họ cung cấp các giấy tờ chính chủ liên quan đến xe:
– Hợp đồng mua xe
– Hợp đồng chuyển nhượng xe (nếu xe đã qua tay nhiều chủ)
– Chứng nhận của hãng xe
– Địa điểm mua xe
– Thời hạn bảo hành bảo trì (nếu còn)
– Các giấy tờ bảo dưỡng định kỳ.

Một người bán có thể tin tưởng được sẵn sàng cung cấp cho Bạn mọi giấy tờ họ có (vì họ giữ để làm gì nếu muốn bán xe?), trả lời mọi câu hỏi của Bạn một cách không ngập ngừng và đồng ý ra phòng công chứng để làm thủ tục chuyển nhượng xe với Bạn. Đối với người bán này Bạn có thể thoải mái hỏi lý do họ bán xe (tất nhiên là tìm cách hỏi một cách lịch sự nhất) để tìm hiểu thêm thông tin về chiếc xe. Đồng thời Bạn cũng có thể thoải mái thương lượng giá với họ nếu Bạn thật sự muốn mua xe.

Người bán là showroom hoặc garage ô tô

Showroom hoặc garage thường là pháp nhân (công ty & doanh nghiệp tư nhân). Nghĩa là họ chịu trách nhiệm về chiếc xe bán ra cao hơn người bán chính chủ. Mua xe ở những nơi này Bạn sẽ được cung cấp các gói bảo hành, bảo dưỡng định kỳ và yên tâm hơn về việc sửa chữa về sau. Vấn đề là họ sẽ tính thêm các chi phí dịch vụ như mặt bằng, nhân viên, điện nước, thuế má,… vào giá bán xe cho Bạn. Bạn cần phải biết cách trả giá để có mua được chiếc xe Bạn ưng với giá tốt nhất có thể!

Cách trả giá khi mua ô tô cũ

Bạn nên nhớ nằm lòng nguyên tắc quan trọng nhất khi trả giá mua một chiếc xe cũ là “Không Vội Vàng”! Nếu Bạn Bạn quá thích chiếc xe đó và muốn sở hữu nó ngay, Bạn có thể bị đánh lừa bởi chính cảm xúc của Bạn. Mặt khác, người bán có thể lợi dụng sự vội vàng của Bạn để nâng giá xe lên cao hơn khá nhiều giá ban đầu mà họ định đưa ra. Bạn rất nên làm theo những kinh nghiệm mua ô tô cũ của nhiều người sau đây:

Không bày tỏ cảm xúc

Đây có thể là việc nhỏ nhưng theo kinh nghiệm mua ô tô cũ của nhiều người thì lại có thể ảnh hưởng khá lớn đến việc mua xe! Bạn nên kìm chế cảm xúc của mình và không biểu hiện ra mặt rằng Bạn thích hay không thích chiếc xe. Đơn giản là Bạn đến xem xe, ghi chép các thông tin, hỏi thăm & cám ơn người bán vì đã đón tiếp. Không phải là Bạn sẽ làm mặt “lạnh”, Bạn cư xử bình thường và không nên để lộ cảm xúc về chiếc xe mà thôi.

Không trả giá ngay lần đầu xem xe

Bạn nên hẹn lại người bán một ngày khác nếu Bạn ưng chiếc xe và muốn trả giá, trừ trường hợp Bạn muốn mua ngay lập tức và chắc chắn với quyết định này. Lý do là Bạn cần thời gian để xem lại tất cả thông tin mà Bạn đã thu thập và so sánh nhiều xe Bạn đã xem. Biết đâu Bạn sẽ tìm ra một điểm chung giữa các xe này để đưa ra một khoảng giá hợp lý nhất.

Tận dụng triệt để các thông tin Bạn có

Bạn nên sử dụng tất cả những gì bạn biết, nhớ & đã ghi ghép. Đôi khi một chi tiết nhỏ có thể làm giảm giá xe đi một giá. Ví dụ vết nứt ở một chụp đèn xi-nhan có thể giúp Bạn giảm giá xe đi vài triệu đồng, Bạn chỉ cần nói với chủ xe rằng Bạn cần thay mới nó sau khi mua xe. Nhiều chi tiết nhỏ như vậy sẽ tạo ra lợi thế lớn để Bạn tự tin trả giá. Người bán cũng khó có thể phiền lòng với những dẫn chứng cụ thể của Bạn.

Sử dụng chiến lược “dạm ngõ”

Bạn nên tìm một lý do nào đó để cho người bán biết rằng Bạn rất ưng ý với tình trạng hiện tại của động cơ xe. Điều này sẽ làm người bán vui vẻ vì Bạn ngầm nói rằng người bán giữ xe rất cẩn thận. Sau đó hãy sử dụng từ “tiếc là”, ví dụ: “Tiếc là chiếc xe lại có màu xanh dương chứ không phải màu xám như tôi mong muốn, và..và…”. Bạn sẽ nói những lý do mà Bạn mong muốn người bán giảm giá xe theo ý Bạn.

Quy trình thủ tục mua ô tô cũ

Thủ tục mua xe cũ chính chủ đơn giản hơn rất nhiều so với xe không chính chủ. Trong các quy trình chi tiết dưới đây, Bạn cần chú ý duy nhất đến hai từ “Công Chứng”:

Thủ tục mua ô tô cũ chính chủ

1. Soạn thảo & ký kết hợp đồng mua bán
2. Công chứng hợp đồng mua bán
3. Bên mua thanh toán lần đầu cho bên bán theo thỏa thuận trong hợp đồng
4. Làm thủ tục sang tên đổi chủ (nhờ hoặc thuê Công chứng viên tư vấn các loại giấy tờ cần thiết)
5. Bên mua thanh toán cho bên bán theo thỏa thuận trong hợp đồng.

Thủ tục mua ô tô cũ không chính chủ

Điều quan trọng nhất khi Bạn mua ô tô không chính chủ là tính hợp pháp của bên bán. Bạn cần yêu cầu bên bán cung cấp Giấy ủy quyền có công chứng của Chủ sở hữu xe trong đó ghi rõ bên bán có quyền thương lượng bán xe và làm thủ tục mua bán thay cho Chủ xe. Bạn cũng cần kiểm tra tính hợp pháp của Giấy ủy quyền này bằng cách nhờ hoặc thuê Công chứng viên. Sau khi chắc chắn rằng Giấy ủy quyền được đảm bảo tính hợp pháp, Bạn mới tiến hành các thủ tục mua bán xe giống như đối với xe chính chủ ở trên.

Lời khuyên từ những người có kinh nghiệm mua ô tô cũ là Bạn phải nhất thiết yêu cầu bên bán xe có mặt cùng Bạn làm tất cả giấy tờ cùng với Công chứng viên được công nhận trong một phòng công chứng đạt chuẩn Nhà nước. Trường hợp này giống như người xưa hay nói “Ba mặt một lời”, có Công chứng viên xác nhận thì Bạn sẽ an tâm về tính pháp lý đối với chiếc xe mà Bạn sẽ sở hữu.

Tạm kết về kinh nghiệm mua ô tô cũ

Bạn mới là người quyết định! Bạn có thể nhờ hoặc thuê người có kinh nghiệm mua ô tô cũ đi xem xe cùng mình nhưng hãy luôn nhớ rằng Bạn mới là người ra quyết định sau cùng “Có nên mua chiếc xe đó hay không?”. Bởi vì một thợ sửa xe giỏi nhất cho Bạn biết là máy xe (động cơ) còn rất tốt nhưng Bạn không thích màu sơn của chiếc xe thì Bạn có nên mua không dù giá xe cũng khá tốt? Nếu quyết định mua thì Bạn sẽ nhìn thấy và sử dụng cái màu Bạn không thích hàng ngày đó chứ đâu phải người thợ kia.

Tốt hơn hết Bạn hãy chủ động trong mọi việc: kiểm tra xe, đàm phán giá và ra quyết định mà Bạn thấy phù hợp nhất với mình. Thực tế là việc kiểm tra các thông số kỹ thuật của xe không hề khó hay phức tạp như Bạn nghĩ! Hãy cố gắng làm hết khả năng của mình, Bạn sẽ kinh nghiệm được rất nhiều điều và có thể trở thành một chuyên gia về ô tô ngay trong lần mua xe cũ đầu tiên!

Vui lòng dẫn nguồn baohiemotoliberty.com khi sử dụng thông tin từ trang này. Xin cảm ơn.

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

All in one
Liên hệ ngay