Kinh nghiệm mua xe ô tô trả góp

Kinh nghiệm mua xe ô tô trả góp từ nhiều người cho thấy chỉ có 2 vấn đề mà Bạn nên quan tâm nhất: Ngân hàng – nơi cho Bạn vay mua ô tô và chính Bạn – người sở hữu chiếc ô tô đó! Hãy tham khảo kỹ những thông tin ngay dưới đây để có quyết định mua xe đúng đắn nhất!

Bạn mới là người quyết định chứ không phải Ngân hàng!

Khi Bạn thật sự hiểu rõ mình, tham khảo thông tin chi tiết và chuẩn bị hồ sơ đầy đủ, Bạn sẽ hoàn toàn tự tin khi quyết định mua xe ô tô trả góp! Tâm lý chung của nhiều người là lo sợ Ngân hàng không duyệt hồ sơ, phải tìm cách đi đường vòng hoặc “lách qua lách lại” để có hồ sơ vay đẹp được duyệt nhanh. Nếu Bạn đang có tâm lý này, Bạn sẽ dễ bị dao động và mất sự kiểm soát các con số – điều có thể làm Bạn khổ sở về sau với một núi nợ – lãi – thuế – phí – chi phí.

Bạn hãy tham khảo 3 kinh nghiệm mua xe ô tô trả góp ngay dưới đây để có thể kiểm soát tốt các yếu tố và trở thành người quyết định khi đàm phán với các ngân hàng:

1. Biết mình biết người – Trăm trận trăm thắng

Bạn nên tĩnh tâm & kiềm chế cảm xúc để biết rõ mình biết gì, có gì & muốn gì. Sở hữu một chiếc ô tô với một số tiền trả trước tương đối nhỏ có thể là một giấc mơ ấp ủ từ lâu sắp trở thành hiện thực! Một chiếc xe để vi vu cùng gia đình trong những chuyến du lịch xa, để đi siêu thị và còn dùng để đi làm, đi gặp đối tác,… tất cả đều là những lợi ích tuyệt vời. Tuy nhiên, đó là khi Bạn chưa từng sở hữu một chiếc ô tô nào. Đừng để giấc mơ đó làm lu mờ tâm trí Bạn mà hãy thật tỉnh táo!

Bạn biết gì về ô tô, về ngân hàng cho vay mua ô tô (lãi suất, thủ tục, quy trình vay,..), về phí & chi phí khi Bạn đã sở hữu ô tô? Bạn đang và sẽ có gì trong tay trước & sau khi sở hữu chiếc ô tô mơ ước: nguồn thu nhập & sự ổn định của thu nhập, số tiền trả trước, các tài sản có giá trị thế chấp, những công việc hoặc dự định tương lai có thể ảnh hưởng đến việc trả nợ gốc và lãi vay,…? Bạn muốn gì khi quyết định vay mua ô tô: thỏa mãn niềm đam mê từ thuở nhỏ, chứng minh rằng mình là người thành công, làm hài lòng người bạn đời & gia đình, phục vụ cho yêu cầu công việc,…?

Việc mua xe ô tô trả góp và việc giải một bài toán có điểm giống và khác nhau. Điểm giống nhau là Bạn phải thật tỉnh táo mới có thể tìm được đáp án. Nếu Bạn giỏi toán Bạn sẽ giải rất nhanh, còn nếu Bạn biết cách thì sớm muộn gì thì Bạn cũng giải ra. Tuy nhiên, điểm khác nhau mới quan trọng:
– Một bài toán chỉ có một hoặc một số ẩn số nhất định và Bạn sẽ giải ra một hoặc một số đáp án ĐÚNG.
– Việc mua xe ô tô trả góp là một bài toán có vô số ẩn số vì vậy sẽ có vô số đáp án. Điều đáng mừng là Bạn không cần giải đáp hết tất cả các ẩn số này và không có đáp án nào là đúng nhất. Chỉ có đáp án PHÙ HỢP nhất với Bạn!

2. Chuẩn bị hồ sơ vay thật kỹ

Theo yêu cầu của hầu hết các ngân hàng hiện nay, Bạn cần chuẩn bị 2 loại hồ sơ: Hồ sơ cá nhân & Hồ sơ chứng minh tài chính. Danh sách hồ sơ yêu cầu của mỗi ngân hàng sẽ khác nhau, tuy nhiên Bạn nên chuẩn bị trước những gì mình có theo danh sách dưới đây, khi ngân hàng có yêu cầu khác thì sẽ bổ sung thêm. Kinh nghiệm mua xe ô tô trả góp dành riêng cho Bạn là: Chuẩn bị trước luôn giúp Bạn tiết kiệm thời gian, tiền bạc và cả trí tuệ cho những việc quan trọng khác. Đừng để nước đến chân mới nhảy!

Hồ sơ cá nhân
Bạn nên chuẩn bị trước các bản photo công chứng:
– Chứng minh nhân dân hoặc Thẻ căn cước công dân
– Hộ khẩu thường trú hoặc KT3
– Giấy đăng ký kết hôn (nếu Bạn đã kết hôn) hoặc Giấy chứng nhận độc thân
– Hợp đồng lao động & Giấy xác nhận bảng lương (nếu Bạn đang làm công ăn lương)
– Giấy đăng ký kinh doanh hoặc Giấy chứng nhận tham gia góp vốn (nếu Bạn đang là doanh nhân hoặc tự doanh)

Hồ sơ chứng minh tài chính
Bạn nên chuẩn bị trước các bản photo công chứng:
– Sổ tiết kiệm chính chủ
– Sổ đổ chính chủ
– Giấy đăng ký xe ô tô (cà-vẹt) mới hoặc cũ (trong vòng 5 đời xe) chính chủ
– Các giấy tờ có giá chính chủ khác
Xin lưu ý: từ “chính chủ” nghĩa là các giấy tờ này phải ghi rõ họ và tên của Bạn, điều này chứng minh với ngân hàng rằng Bạn là chủ sở hữu các giấy tờ này.

3. Nên và không nên từ kinh nghiệm mua xe ô tô trả góp của nhiều người

Xin hãy bắt đầu từ những việc không nên làm:
Bạn tuyệt đối không nên:
– Nóng vội, để cảm xúc lấn át lý trí
– Ký hợp đồng vay mua xe khi chưa hiểu hoặc không hiểu bất kỳ điều khoản nào, dù là nhỏ nhất, trong hợp đồng đó
– Tin quá nhiều vào nhân viên tư vấn tín dụng
– Tham khảo thông tin cho vay từ quá ít ngân hàng

Bạn nên:
– Tìm hiểu và ghi chú cho riêng mình những điều tâm đắc nhất từ kinh nghiệm mua xe ô tô trả góp của người khác
– Tìm kiếm thông tin từ nhiều ngân hàng nhất có thể
– Đọc kỹ tất cả điều khoản trong hợp đồng vay mua ô tô, đặc biệt là những chỗ nào có con số và phần trăm % (được in bằng chữ số hoặc bằng chữ)
– Hiểu rõ từng điều khoản của hợp đồng vay, chỗ nào chưa hiểu cần phải đánh dấu và đòi hỏi ngân hàng giải thích ngay
– Nhờ người thân hoặc bạn bè từng vay mua ô tô đọc giúp hợp đồng vay và thương lượng cùng ngân hàng nếu có thể.

Ngân hàng luôn xem Bạn là Thượng đế!

Đây là một kết luận thú vị từ hầu hết những kinh nghiệm mua xe ô tô trả góp được chia sẻ! Bạn là Thượng đế vì Bạn là KHÁCH HÀNG của Ngân hàng – Bạn là người mang lại lợi nhuận cho họ! Hãy hình dung rằng Bạn đang đi ăn ở một nhà hàng và Bạn có quyền được phục vụ chu đáo nhất. Bạn là Khách hàng thì ở đâu cũng vậy thôi nếu thực sự Bạn đang ăn ở một nhà hàng tốt hoặc đang đàm phán mua ô tô trả góp từ một ngân hàng tốt. Câu hỏi quan trọng nhất là làm sao để biết đó là một Ngân hàng tốt? Câu trả lời dưới đây gợi ý 4 phần mà Bạn nên tìm hiểu: số lượng Ngân hàng đang cho vay mua ô tô, Lãi suất, Phí – Chi phí & Quy trình vay.

Một lưu ý nhỏ trước khi Bạn bắt đầu du lịch vào thế giới của Ngân hàng: Bạn hãy nắm vững 2 bí quyết “tìm”“hiểu”. Hãy tìm nhiều nguồn nhất, nhiều thông tin nhất hoặc đặt ra nhiều câu hỏi nhất mà Bạn có thể, sau đó hãy hiểu kỹ càng thấu đáo nhất tất cả những gì Bạn tìm được, trước khi Bạn đặt bút ký vào Hợp đồng vay mua ô tô. Đơn giản vậy thôi và Bạn sẽ yên tâm về quyết định của mình!

1. Hãy tìm hiểu NHIỀU ngân hàng nhất có thể

Hầu như ngân hàng nào ở Việt Nam cũng cho vay mua ô tô, đặc biệt hiện nay đang là thời kỳ bùng nổ về nhu cầu sở hữu ô tô cá nhân. Điều này càng nhấn mạnh rằng Bạn – người đang muốn mua ô tô trả góp – đang là Khách hàng tiềm năng mà tất cả các ngân hàng đều nhắm tới! Vì vậy mà Bạn không nên lo lắng “mình có được ngân hàng cho vay hay không?” mà nên tự hỏi “mình nên chọn ngân hàng nào để vay?”. Câu trả lời là: Bạn hãy tìm và hiểu thật nhiều ngân hàng, Bạn sẽ tìm ra ngân hàng phù hợp nhất với Bạn.

Có một vài ngân hàng có thế mạnh riêng về cho vay mua ô tô. Các ngân hàng này có thể cho Bạn vay đến 100% giá trị xe, có lãi suất ưu đãi, duyệt hồ sơ nhanh, đòi hỏi ít thủ tục, … Các ngân hàng đang cạnh tranh với nhau về tất cả các mặt để lôi kéo Bạn đến với họ. Bạn chắc chắn sẽ là người hưởng lợi trong cuộc cạnh tranh này. Chỉ có điều là Bạn nên chọn ngân hàng phù hợp nhất với Bạn. Đó có thể chưa hẳn là ngân hàng tốt nhất, nhưng phù hợp với nhu cầu của Bạn nhất!

2. Hãy tìm hiểu kỹ càng về LÃI SUẤT

Lãi suất chắc chắn là yếu tố đầu tiên mà Bạn nghĩ đến khi muốn vay bất cứ thứ gì. Lãi suất cũng là phần được nhiều người chia sẻ nhất trong những kinh nghiệm mua xe ô tô trả góp. Tuy nhiên, Bạn không nên vội vàng cho rằng “lãi suất thấp hơn là tốt hơn” mà hãy luôn nhớ câu ngạn ngữ quen thuộc này “Ở đời không ai cho không ai cái gì”! Hiện nay các ngân hàng sẽ đề nghị Bạn chọn 1 trong 2 loại lãi suất thông dụng nhất trong hợp đồng vay mua ô tô là Lãi suất cố địnhLãi suất thả nổi. Trước khi tìm hiểu ưu điểm & nhược điểm của từng loại lãi suất này, hãy tìm hiểu những yếu tố ảnh hưởng đến lãi suất:

Những yếu tố chính ảnh hưởng đến lãi suất cho vay mua ô tô
Ngân hàng ấn định lãi suất cho Bạn vay. Họ dựa vào đâu để tính toán con số % này? Bạn có thể thay đổi con số này không? Câu trả lời là có thể khi Bạn kiểm soát được các yếu tố thuộc về Bạn, và không thể đối với các yếu tố khác.

Bạn có thể kiểm soát các yếu tố:
– Cách tính lãi suất cố định hay thả nổi: Bạn có quyền chọn 1 trong 2, xin xem thêm ở phần dưới đây để so sánh chi tiết 2 lựa chọn này.
– Giá trị xe ô tô: Bạn vay mua siêu xe thì số tiền Ngân hàng cho Bạn vay chắc chắn là rất lớn, nghĩa là Ngân hàng sẽ chịu thêm rủi ro, vì vậy mà lãi suất sẽ cao hơn khi Bạn vay mua ô tô thông thường.
– % trả trước: Bạn trả trước 30 % giá trị xe tất nhiên sẽ nhận được lãi suất thấp hơn so với Bạn vay mua xe mà không trả đồng nào (0% trả trước).
– Kỳ hạn vay (thời gian vay): Bạn vay mua ô tô trong 2 năm (mức thấp nhất hiện nay) sẽ chịu lãi suất thấp hơn so với Bạn vay trong 5 năm (mức cao nhất hiện nay).
– Tài sản thế chấp: Bạn thế chấp bằng bất động sản, vàng, sổ tiết kiệm hoặc các giấy tờ có giá & có tính thanh khoản cao (khả năng quy đổi thành tiền dễ dàng & nhanh chóng) chắc chắn sẽ nhận được lãi suất tốt hơn khi Bạn muốn thế chấp chính chiếc xe mà Bạn tính mua.

Bạn không thể kiểm soát các yếu tố:
– Quan hệ cung – cầu tiền tệ
– Biến động trên thị trường
– Tình hình kinh tế – chính trị
– Chính sách của Chính phủ và Ngân hàng Trung ương
– Lạm phát
– Đầu tư
– Rủi ro
– Các thể chế tài chính trung gian
– Tỷ giá hối đoái
– …

Lời khuyên duy nhất đúc kết từ những kinh nghiệm mua xe ô tô trả góp của mọi người là: Bạn hãy dành thời gian và trí tuệ cho những yếu tố mà Bạn có quyền lựa chọn và kiểm soát được! Trong đó, hãy đặc biệt quan tâm đến 2 lựa chọn lãi suất sẽ được in trong Hợp đồng vay mua ô tô của Bạn: lãi suất cố định hoặc lãi suất thả nổi.

2 lựa chọn lãi suất trong Hợp đồng vay mua ô tô
1. Lãi suất cố định
1. Ý nghĩa: lãi suất không thay đổi trong suốt thời hạn vay mua ô tô.
2. Cách tính: tính trên số dư nợ ban đầu
3. Ví dụ: Bạn vay mua ô tô trị giá 1 tỷ, trả trước 300 triệu, vay trong vòng 5 năm và Ngân hàng ấn định lãi suất cố định 10%/năm trong suốt 5 năm:
– Dư nợ ban đầu của Bạn: 1 tỷ – 300 triệu = 700 triệu
– Số tiền lãi mà Bạn phải trả mỗi năm (từ năm 1 đến năm 5): 700 triệu x 10% = 70 triệu.
4. Ưu điểm: Lãi suất vay của Bạn không chịu sự ảnh hưởng hay biến động của thị trường. Khi lãi suất chung tăng hoặc giảm thì lãi suất vay của Bạn vấn không thay đổi. Điều này giúp cho Bạn chủ động trong việc trả nợ gốc & lãi vay vì Bạn biết trước Bạn phải trả cố định bao nhiêu mỗi tháng, mỗi năm.
5. Nhược điểm:
– Nếu lãi suất thị trường giảm trong thời gian dài thì Bạn sẽ bị bất lợi vì Bạn đang trả lãi nhiều hơn mức chung của thị trường.
– Càng về sau thì mức lãi suất thực mà Bạn trả sẽ càng tăng vì Bạn phải trả lãi trên số dư nợ ban đầu.
6. Khuyến cáo: Bạn có thể chọn lãi suất cố định khi:
– Bạn có thu nhập ổn định
– Bạn muốn trả một số tiền cố định mỗi tháng
– Bạn không muốn đau đầu khi Ngân hàng thông báo thay đổi lãi suất liên tục (thường là thông báo tăng lãi suất)

2. Lãi suất thả nổi
1. Ý nghĩa: lãi suất có thể thay đổi trong suốt thời hạn vay mua ô tô.
2. Cách tính: tính trên số dư nợ giảm dần.
3. Ví dụ: Bạn vay mua ô tô trị giá 1 tỷ, trả trước 300 triệu, vay trong vòng 5 năm và Ngân hàng ấn định lãi suất thả nổi trong suốt 5 năm:
– Dư nợ ban đầu của Bạn: 1 tỷ – 300 triệu = 700 triệu
– Số giảm dư nợ mỗi năm: 700 triệu : 5 năm = 140 triệu/năm
– Dư nợ theo năm: năm 1 – 700 triệu, năm 2 – 560 triệu, năm 3 – 420 triệu, năm 4 – 280 triệu, năm 5 – 140 triệu
– Số tiền lãi mà Bạn phải trả mỗi tháng: tùy thuộc lãi suất mà Ngân hàng thông báo cho Bạn.
4. Ưu điểm:
– Khi lãi suất chung của thị trường giảm (hoặc giảm trong thời gian dài) thì Bạn sẽ có lợi vì Bạn sẽ phải trả lãi ít hơn.
– Bạn trả lãi theo số dư nợ thực tế, số dư nợ này giảm dần theo từng tháng, từng năm vì vậy càng về sau thì mức lãi suất thực mà Bạn trả sẽ càng giảm.
5. Nhược điểm:
– Khi lãi suất chung của thị trường tăng (hoặc tăng trong thời gian dài) thì Bạn sẽ bất lợi vì Bạn sẽ phải trả lãi nhiều hơn.
– Ngân hàng điều chỉnh lãi suất theo biến động trên thị trường, nếu biến động là liên tục thì Bạn sẽ nhận được thông báo thay đổi lãi suất liên tục. Điều này có thể ảnh hưởng đến tài chính và kế hoạch chi tiêu của Bạn vì Bạn khó có thể (hoặc không thể) dự báo được biến động lãi suất của thị trường.
6. Khuyến cáo: Bạn có thể chọn lãi suất thả nổi khi:
– Bạn có thu nhập ổn định
– Bạn dự báo được và chịu được lãi suất thị trường có thể biến động trong suốt thời gian vay
– Bạn luôn cân đối được tài chính của mình khi Ngân hàng thông báo thay đổi lãi suất (có thể là thay đổi liên tục)

Lời khuyên là Bạn nên yêu cầu Ngân hàng cung cấp càng nhiều phương án vay càng tốt. Hiện nay, khá nhiều ngân hàng có chính sách hoặc sản phẩm cho vay mua ô tô linh động và ưu đãi. Tuy nhiên, hãy luôn nhớ rằng Bạn mới là người quyết định chứ không phải Ngân hàng. Hãy so sánh tất cả các phương án vay mà Bạn tìm được và hiểu được, nếu có thể hãy nhờ (hoặc thuê) một người có hiểu biết về tài chính trợ giúp Bạn. Bạn sẽ chọn được một phương án phù hợp nhất với mình!

3. Hãy tìm hiểu kỹ càng về PHÍ & CHI PHÍ

Kinh nghiệm mua xe ô tô trả góp cho thấy rằng nếu Bạn chỉ quan tâm đến lãi suất vay thì Bạn đang có thiếu sót rất lớn! Các khoản Phí & Chi phí đối với việc vay mua và sử dụng xe ô tô được liệt kê ngay dưới đây có thể sẽ ảnh hưởng đến tài chính và khả năng trả nợ của Bạn nhiều hơn cả lãi suất. Xin hãy chú ý:

Phí & Chi phí khi mua xe
– Hoa hồng môi giới
– Phí thẩm định hồ sơ vay
– Chi phí photo công chứng giấy tờ, giao dịch đảm bảo, gởi nhận hồ sơ (thường được tính làm 1 lần cho suốt thời gian vay, nhiều ngân hàng có thể miễn phí khoản chi phí này như một hình thức khuyến mãi kèm theo)
– Chi phí làm hồ sơ vay (thường gặp trong trường hợp khó chứng minh thu nhập, cần hỗ trợ phương án vay)
– Phí mở tín dụng
– Phí quản lý tín dụng
– Phí trả nợ trước hạn (có thể lên đến 3 tháng lãi suất liền kề hoặc từ 1% đến 3%/năm)
– Phí đăng ký xe
– Thuế trước bạ
– Phí đăng kiểm
– Bảo hiểm vật chất xe
– Bảo hiểm cho khoản vay ngân hàng
-… (chắc chăn còn nhiều khoản khác chưa được liệt kê ở đây)

Phí & Chi phí khi sử dụng xe
– Phí bảo trì đường bộ
– Phí bảo hiểm trách nhiệm dân sự bắt buộc
– Bảo hiểm thân xe (lựa chọn)
– Bảo hiểm tai nạn cho người ngồi trên xe (lựa chọn)
– Bảo hiểm trách nhiệm đối với bên thứ ba (lựa chọn)
– Phí đăng kiểm
– Chi phí bảo dưỡng định kỳ
– Chi phí xăng (hoặc dầu)
– Chi phí: độ xe, trang bị thêm phụ kiện, thạm gia các hội nhóm liên quan đến xe,…
– Chi phí không thể tính trước: vi phạm luật giao thông, lãi suất tăng thêm khi hợp đồng vay bằng lãi suất thả nổi,…
– … (chắc chắn còn nhiều khoản khác chưa được liệt kê ở đây)

Những kinh nghiệm mua xe ô tô trả góp tốt nhất đều khuyến cáo rằng: Bạn hãy làm một bảng tính tất cả các loại Phí & Chi phí mà Bạn biết. Bạn càng tính được chi tiết bao nhiêu thì Bạn sẽ càng có cái nhìn cụ thể bấy nhiêu đối với quyết định vay mua ô tô của mình. Xin ghi nhớ rằng Phí & Chi phí nêu trên là những khoản tiền mà Bạn chắc chắn (hoặc có khả năng rất cao) phải trả trước, trong và sau khi sở hữu chiếc ô tô mong muốn của mình. Hãy dự trù càng sớm càng tốt các khoản phải chi này, Bạn sẽ có quyết định đúng đắn nhất khi vay mua ô tô dù Bạn vay ở bất cứ ngân hàng nào!

4. Hãy tìm hiểu kỹ càng về QUY TRÌNH VAY

Quy trình vay mua xe ô tô dưới đây gồm có 11 bước. Quy trình này được tổng hợp từ nhiều ngân hàng khác nhau, từ nhiều kinh nghiệm mua xe ô tô trả góp và mang tính tham khảo chung. Tất nhiên là tùy thuộc vào Ngân hàng mà Bạn chọn vay, các bước dưới đây có thể rút ngắn hoặc tăng thêm. Lời khuyên là Bạn nên chuẩn bị trước những gì mình có thể để nắm thế chủ động khi đi vay mua ô tô.

1. Chọn xe
2. Chọn ngân hàng
3. Ký hợp đồng đặt cọc xe
4. Gởi hồ sơ vay cho ngân hàng
5. Gặp & đàm phán với thẩm định viên của ngân hàng
6. Chờ ngân hàng trả lời
7. Nếu đồng ý cho vay, ngân hàng sẽ ra thông báo bằng văn bản cho hãng xe để đặt xe
8. Đóng tiền trả trước
9. Đăng ký xe
10. Chuyển giấy hẹn đăng ký xe qua ngân hàng để làm thủ tục giải ngân số tiền vay cho hãng xe
11. Lấy xe

TẠM KẾT VỀ KINH NGHIỆM MUA XE Ô TÔ TRẢ GÓP

Bạn là người quyết định trong cuộc chiến thương lượng với Ngân hàng cho vay mua ô tô! Hãy tìm kiếm thật nhiều thông tin càng tốt và hiểu rõ những gì Bạn tìm được, và bỏ qua mọi thứ còn lại. Bạn không thể kiểm soát được mọi thứ, vì vậy hãy kiểm soát tốt những gì Bạn biết, Bạn có và Bạn muốn có. Chắc chắn Bạn sẽ ký được một hợp đồng vay mua ô tô có lợi nhất với Bạn!

Vui lòng dẫn nguồn baohiemotoliberty.com khi sử dụng thông tin từ trang này. Xin cảm ơn.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.