“Anh mới đi tút xe tuần trước hết 5 triệu mấy, vẫn chưa lấy được hết tiền bảo hiểm đóng năm ngoái 7 triệu mà sắp hết năm rồi.” Anh bạn cho tôi đi ké xe khi đi du lịch 2 gia đình hãnh diện khoe với giọng hơi nuối tiếc ở cuối câu. Tôi đâm ra suy nghĩ suốt chuyến đi mà không viết ra đây thì cũng hơi bị khổ tâm lắm lắm.
Không đúng không sai
Tôi không thể trách anh mà giận cái tâm lý “xài bảo hiểm” cho nó đỡ tốn tiền phí đã đóng. Đúng ở chỗ đã bỏ tiền ra thì phải xài chứ, không lẽ tốn cả đống tiền mà chẳng thu được gì, sau một năm hợp đồng thì mất tiền cũ phải đóng tiền mới? Sai ở chỗ xe không hề bị vấn đề gì, chưa dám nói là chắc phải qua “thủ tục” với garage hoặc nhân viên tư vấn/giám định để qua mặt công ty bảo hiểm?
Không riêng gì bảo hiểm ô tô, Khách hàng của tôi “bỏ” bảo hiểm sức khỏe, bảo hiểm nhà ở, bảo hiểm văn phòng sau 1 hoặc 2 năm đóng phí cũng ở con số “có tính thống kê”. Nguyên nhân chính không phải là Khách hàng không có tiền hay không thích bảo hiểm của công ty tôi nữa mà ở chỗ Khách hàng thấy “phí” vì đóng mà không được xài.
Tâm tình người trong cuộc
Bảo hiểm kể từ khi ra đời vài trăm năm trước đã được xem là một dịch vụ rất đặc biệt, trong đó người bán và người mua thỏa thuận với nhau trên nguyên tắc quan trọng nhất là “những rủi ro không mong muốn”. Bên mua muốn bảo vệ mình nếu rủi ro xảy ra và Bên bán định giá cho những rủi ro này nếu chúng xảy ra. Bảo hiểm chỉ thực sự có ý nghĩa khi cả 2 bên đều không mong muốn xảy ra rủi ro.
Riêng với bảo hiểm ô tô thì những rủi ro này rất dễ nhận biết: tai nạn hoặc sự cố dẫn đến rủi ro hư hỏng xe (gọi là bảo hiểm vật chất xe), rủi ro thương tật/tử vong cho người ngồi trên xe (gọi là bảo hiểm người ngồi trên xe), rủi ro hư hỏng tài sản hoặc rủi ro thương tật/tử vong đối với bên thứ ba (gọi là bảo hiểm trách nhiệm dân sự bắt buộc hoặc tự nguyện). Dù là loại rủi ro nào thì nguyên tắc “không mong muốn” luôn được áp dụng khi Công ty bảo hiểm và Chủ xe ký kết hợp đồng.
Theo nguyên tắc trên thì chỉ có thể xảy ra 2 trường hợp đối với bảo hiểm ô tô: Một là rủi ro không xảy ra – Bên bán không hoàn tiền và Bên mua có thể tái tục hợp đồng hoặc không; Hai là rủi ro xảy ra – Bên bán bồi thường và Bên mua có thể tái tục hợp đồng hoặc không.
- Trường hợp 1 nếu Bạn cho rằng Công ty bảo hiểm sẽ “lời to” sau 1 năm Bạn đóng phí mà không yêu cầu bồi thường thì có thể Bạn đang “lầm to”. Theo thống kê chung thì các công ty bảo hiểm đều phải chi trả trên 80% tổng số hợp đồng bảo hiểm ô tô. Điều này nghĩa là xe bạn không có bồi thường nhưng rất nhiều xe khác cùng mua bảo hiểm như Bạn và có bồi thường. Nếu xe Bạn không có bồi thường, Bạn nên vui mừng mới phải vì không có bồi thường là Hạnh phúc lớn nhất của người mua bảo hiểm đấy Bạn ạ!
- Trường hợp 2 thì không có gì phải bàn vì bồi thường là nghĩa vụ của Công ty bảo hiểm, nhưng chỉ khi nào rủi ro xảy ra là “rủi ro không mong muốn” của cả bên mua và bên bán. Hãy thử suy nghĩ nếu Bạn tự đi tút lại xe trong khi nó không có vấn đề gì thì có phải là Bạn đang tạo ra một “rủi ro mong muốn” không? Nếu đúng thì Bạn đang làm việc mà các công ty gọi bằng danh từ chuyên môn là “trục lợi bảo hiểm” đấy Bạn ạ!
Thay lời kết
Người viết bài này ước mong sao trong một ngày gần đây, Quý Khách hàng mua bảo hiểm ô tô tại Việt Nam sẽ xem số tiền đóng bảo hiểm như một khoản chi phí thường ngày trong cuộc sống. Giống như “sinh hoạt phí” là thực phẩm, quần áo, đi lại, vui chơi… người dân ở các nước khác đã xem “phí bảo hiểm” là những khoản chi bắt buộc tính đến, và chi rồi thì hãy quên đi.
Vui lòng dẫn nguồn baohiemotoliberty.com khi sử dụng thông tin từ trang này. Xin cảm ơn.